Tham dự buổi sinh hoạt có Ban Giám hiệu và toàn thể viên chức và người lao động trong Trường. Báo cáo viên là Thạc sĩ Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số Lao động, thuộc Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

Ths. Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số lao động, Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày trong buổi sinh hoạt

 

Phần thuyết trình của báo cáo viên đề cập tới những nội dung liên quan đến thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam và nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Theo báo cáo, Việt Nam hiện được đánh giá là đang có lợi thế về dân số, đang trong thời kỳ “dân số vàng” với số dân trong độ tuổi lao động khá dồi dào, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) của Việt Nam năm 2015 là 77,41% cao nhất trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, mức độ tham gia giáo dục đào tạo của dân số từ 15 tuổi trở lên thấp và có xu hướng giảm. Điều này cảnh báo về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang có chiều hướng đi xuống.
Việt Nam đang hình thành hai loại hình nhân lực: có chuyên môn kỹ thuật và không có chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, tỷ lệ nhân lực chuyên môn kỹ thuật có bằng cấp chứng chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp: 20,30% (năm 2015). Thêm vào đó là những bất hợp lý trong cơ cấu nguồn lao động qua đào tạo khi mà LLLĐ có trình độ Đại học trở lên chiếm phần đông, trong khi thiếu hụt LLLĐ đã qua đào tạo nghề như là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Cái thiếu của Việt Nam hiện nay không phải là nhân lực phổ thông, mà là nhân lực chất lượng cao. Theo số liệu thống kề năm 2015, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật và được đào tạo nghề  rất thấp, chiếm khoảng 20,30%. Cơ cấu đào tạo hiện còn bất hợp lý được thể hiện qua các tỷ lệ: Đại học và trên Đại học là 1, trung học chuyên nghiệp là 0,46 và đào tạo nghề là 0,59. Điều này đã tạo nên sự thiếu hụt LLLĐ đã qua đào tạo nghề như kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng thấp hơn so với nhiều nước khác. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB) trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59…
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và đang có cơ hội lớn để phát triển nền kinh tế và trở thành một quốc gia thịnh vượng hơn. Song song với những cơ hội là thách thức từ việc tự do di chuyển của nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó Việt Nam cần một LLLĐ có năng lực cao với những kiến thức và kỹ năng để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nhằm đáp ứng cho nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập thì Việt Nam cần có những chính sách phù hợp như: Cải thiện chất lượng giáo dục-đào tạo và tập trung đào tạo phát triển kỹ năng theo nhu cầu của thị trường lao động; hoàn thiện thể chế TTLĐ nhằm kết nối cung – cầu lao động hiệu quả; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề chương trình đào tạo nghề nông thôn…; tăng cường tổ chức thực hiện Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp; tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực nhận thức về chủ trương hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng quản lý cho cán bộ Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực lao động và đào tạo nghề… Sau khi phần trình bày của Ths. Trịnh Thu Nga, các cán bộ, nhân viên nhà trường cùng nhau thảo luận nhằm hiểu rõ hơn các con số, các chỉ tiêu cũng như đưa ra những câu hỏi về những vấn đề về nguồn nhân lực xung quanh quá trình hội nhập hiện nay như quá trình xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài hay đào tạo ngành nghề có nhu cầu cao trong xu thế hội nhập…

Ths. Trịnh Thu Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số lao động chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám hiệu và cán bộ trong Trường

 

Kết thúc hội thảo, TS. Phạm Trường Giang, Hiệu trưởng, đã thay mặt Nhà trường cảm ơn ThS. Trịnh Thu Nga đã có những chia sẻ hết sức bổ ích về thực trạng và nhu cầu nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, qua đó giúp các cán bộ trong Trường nắm được những thông tin liên quan tới lực lương lao động và nhu cầu đào tạo, từ đó làm cơ sở để cho việc xây dựng các kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực của Ngành phù hợp với tình hình thực tiễn./.