TS. Phạm Trường Giang, Hiệu trưởng nhà Trường phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Phạm Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động – xã hội nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng từ xa cho các cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu cập nhật và bổ sung kiến thức liên quan đến lĩnh vực chuyên môn nói chung và đối với các cán bộ, công chức, viên chức ngành lao động – thương binh và xã hội nói riêng.
 

Hội thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu là Lãnh đạo của các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ và các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, công ty EFY, công ty Nam Việt,.. cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Trường.

Các đại biểu đã lắng nghe đại diện Tổ Đề án trình bày dự thảo Đề án và xem 02 bài giảng thử nghiệm về lĩnh vực Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bảo hiểm xã hội đã được Trường phối hợp với Trung tâm mạng thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội và 02 giảng viên là chuyên gia trong 02 lĩnh vực trên thực hiện. Nhìn chung, các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của Trường và Tổ Đề án trong việc xây dựng nội dung Đề án cũng như triển khai các hoạt động có liên quan. Tuy nhiên, một vấn đề mà hầu hết các đại biểu đều lưu ý Trường cũng như Tổ Đề án phải quan tâm đó là xác định đối tượng của bài giảng và sự kết hợp giữa đào tạo truyền thống và đào tạo trực tuyến, sao cho phát huy được ưu điểm của mỗi hình thức, góp phần tăng cường chất lượng đào tạo cán bộ.

Thay mặt Trường và Tổ Đề án, TS. Phạm Trường Giang – Tổ trưởng Tổ Đề án, Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham gia Hội thảo và có ý kiến đóng góp hoàn thiện Đề án. Những thông tin, kinh nghiệm, ý kiến chia sẻ của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành và các đồng nghiệp trong buổi Hội thảo hôm nay sẽ là những nội dung hữu ích giúp Trường và Tổ Đề án hoàn thiện nội dung cũng như triển khai Đề án cho năm nay và những năm tới; đồng thời, qua đây, Trường có thể xây dựng được một mạng lưới đối tác gồm các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, nghiên cứu, chia sẻ đào tạo trực tuyến và hợp tác hỗ trợ khác, giúp Trường có thể huy động được sự ủng hộ và hỗ trợ từ nhiều nguồn, góp phần triển khai tốt hơn nữa các hoạt động của Trường trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo góp ý, hoàn thiện Đề án đào tạo trực tuyến