Đối tượng của khóa tập huấn là các lãnh đạo cấp Vụ, quy hoạch cấp Vụ và tương đương, lãnh đạo cấp phòng và chuyên viên làm công tác liên quan đến hội nhập quốc tế của các đơn vị thuộc Bộ và Sở LĐTB&XH một số tỉnh/thành phía Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa ngày càng gia tăng, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng bởi hơn ai hết, người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế, vì vậy họ hoàn toàn có quyền hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này, cụ thể là họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Đây là cách tiếp cận của các hiệp định thương mại thế hệ mới và đang trở thành một xu thế trong những năm gần đây trên thế giới. Đó vừa là cơ hội vừa đặt ra những khó khăn thách thức, đặc biệt đối với lĩnh vực lao động – xã hội. Phát biểu khai mạc tập huấn, Ts. Phạm Trường Giang – Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của Hội nhập quốc tế và các vấn đề về lao động – xã hội khi Việt Nam hội nhập với quốc tế, do đó, thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ và theo chương trình chung của Bộ Nội vụ, năm 2016, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về hội nhập quốc tế như là một hợp phần quan trọng trong Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Bộ năm 2016.

Ts. Phạm Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động – xã hội phát biểu khai mạc lớp tập huấn

 

Trong thời gian diễn ra tập huấn, gần 60 học viên của lớp được lắng nghe các chuyên đề của các báo cáo viên là lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày về các nội dung từ tổng quan hội nhập quốc tế tới những vấn đề cơ hội, thách thức cụ thể đối với ngành. Trong chuyên đề về “Tác động của các cam kết thương mại thế hệ mới đối với ngành lao động – xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công thương đã có những chia sẻ về Các Hiệp định thương mại thế hệ mới và sự tham gia của Việt Nam, vấn đề các cam kết lao động trong các hiệp định thương mại thế hệ mới và tác động đối với Việt Nam cũng như các khuyến nghị đối với Việt Nam nói chung và đối với ngành lao động nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Theo ông Khanh, một trong những biện pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế đó là tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách tới người dân nhằm tăng cường sự hiểu biết và kịp thời ứng phó với những thay đổi cũng như yêu cầu của thời kỳ hội nhập, tuy nhiên, thực tế nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa coi trọng những hoạt động này, điều này gây cản trở rất lớn cho việc sẵn sàng, chủ động hội nhập quốc tế nói chung và hôi nhập kinh tế quốc tế nói riêng của Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm của ông Ngô Chung Khanh, xét trên góc độ của cơ quan quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, ông Đặng Đức San – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho rằng việc đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ – những người trực tiếp nghiên cứu và tham gia vào quá trình triển khai các hoạt động hoạch định chính sách, pháp luật – là vô cùng cần thiết. Bên cạnh những chia sẻ, đánh giá về cơ chế thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong các hiệp định thương mại thế hệ mới, ông San cũng cung cấp nhiều thông tin về những khó khăn và thách thức mà Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt trong việc sửa đổi và thực thi Luật Lao động khi Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng.

Một số hình ảnh của lớp tập huấn:

Toàn cảnh lớp tập huấn

 

Ông Đặng Đức San – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH

 

 

Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương